Nếu như trước đây khái niệm chỉ “dự trữ thức ăn trong mùa đông” thì giờ đây cần bổ sung khái niệm này vào mùa hè bởi thực tế những năm gần đây khi mùa hè đến thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài nhiều nơi trâu bò đã bị thiếu thức ăn trầm trọng ngay trong mùa hè. Vậy nên “dự trữ thức ăn cho trâu bò trong mùa hè” cũng là điều cần thiết đặt ra với người chăn nuôi.
Cỏ khô là hình thức dự trữ thức ăn thô xanh rẻ tiền, dễ làm và phổ biến.
Cỏ khô loại tốt là một trong những nguồn cung cấp Protein, Gluxit, vitamin (đặc biệt là vitamin D chỉ có trong cỏ phơi nắng) và khoáng chất chủ yếu cho gia súc ăn cỏ.
Biện pháp thực hiện rất đơn giản là khi cỏ đến lứa (không nên để quá già) đem thu hoạch về phơi khô. Trước khi thu hoạch cỏ cần theo dõi diễn biến thời tiết để tránh mưa làm hỏng cỏ. Mùa thu hoạch lúa đem phơi rơm thật khô chất đống để ủ rơm với ure như công thức làm thức ăn cho trâu bò.
Mục lục
1. Lợi ích khi ủ chua cỏ
- Dự trữ cỏ khi không có cỏ tươi, khi thời tiết nắng hạn hay mưa kéo dài. Lượng cỏ tươi sẽ không đủ hoặc kém chất lượng. Khi đó cỏ được ủ chua hoặc phơi khô sẽ thay thế được cho cỏ tươi. Vẫn đảm bảo chất xơ cung cấp cho vật nuôi
- Ủ chua cỏ khi lên men sẽ có rất nhiều men vi sinh có lợi cho tiêu hóa. Vật nuôi sẽ tiêu hóa tốt hơn khi được sử dụng cỏ đã được ủ chua đó
- Tạo nguồn dinh dưỡng cao giàu đạm, đường, vitamin,… Cỏ ủ chua sẽ giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn so với cỏ khô
2. Thức ăn ủ chua
a) Nguyên liệu:
Cỏ tự nhiên, cỏ voi, thân cây ngô, cây họ đậu. Cỏ non cắt vào thời điểm trước khi ra hoa, không quá non, chứa nhiều nước khó ủ, cũng không để quá già. Nếu là cỏ trồng nên thu cắt sau 45 ngày. Có thể ủ nhiều loại cỏ với nhau. Cỏ họ đậu nên ủ chung với thân cây ngô sau khi thu bắp hoặc cỏ voi.
Các nguyên liệu bổ xung (cho 100 kg thức ăn xanh tươi) gồm: Rỉ mật đường 4 kg, muối ăn 0,5 kg
b) Phương pháp ủ:
Tùy điều kiện cụ thể có thể ủ bằng túi nilon hoặc sử dụng hố ủ. Hiện nay đa số các hộ sử dụng túi ủ vì đàm bảo tính tiện lợi.
Cách ủ: Đây là khâu kỹ thuật quan trọng, quyết định chất lượng cỏ ủ về sau. Công việc này phải làm trong ngày, không để qua ngày khác. Cỏ cắt ngắn 5 – 10 cm, nếu cỏ có tỷ lệ nước cao trên 75% đem phơi héo hoặc bổ xung rơm, bã mía cắt ngắn 5 – 15%. Trường hợp cỏ ủ quá khô, dùng lượng nước hoà rỉ mật đường (1 – 2%) tưới vào cỏ cho đủ độ ẩm 65 – 70%.
Ủ trong hố: Cho vào hố ủ một lớp cỏ dày 20 – 30 cm, rồi rải đều một lớp muối và rỉ mật đường. Nếu rỉ mật đường quá đặc có thể pha với một ít nước cho dễ trộn vào cỏ. Sau đó đảo qua đảo lại cho ngấm hết lượng nước vừa tưới và dùng chân nén chặt, sau đó lại tiếp tục trải một lớp cỏ mới lên rồi lại tiếp tục tưới rỉ mật đường đã hoà lẫn muối và lại nén chặt (nên chú ý nén chặt xung quanh hố ủ). Cứ tiếp tục làm như vậy cho tới khi cỏ đầy và cao hơn thành hố ủ 30cm, tổ chức đầm nén thật chặt ở thành hố ủ và bề mặt hố ủ.
Ủ trong túi nilông: Cũng làm tương tự như phương pháp ủ trong hố. Nhưng phương pháp ủ trong túi nilông thì sau khi ủ phải buộc chặt miệng túi và để nơi sạch sẽ, thoáng mát tránh nắng mưa, ẩm ướt.
c) Thời gian ủ:
Mùa hè: Từ 7 – 10 ngày, Mùa đông: 15 – 20 ngày.
d) Chất lượng và thời gian sử dụng thức ăn:
Thức ăn ủ tốt có màu vàng xanh, giống như màu của dưa cải muối và có
mùi của axít Lactic. Thức ăn ủ không tốt thường có màu đen, nâu và mềm nhũn, có mùi chua (của giấm), hoặc bị mốc.
e) Thời gian sử dụng:
Thức ăn ủ tốt có thể sử dụng trong vòng 6 tháng
3. Rơm ủ urê (có thể ủ rơm hoặc rơm khô)
* Nguyên liệu: Rơm khô 100 kg, urê 3 – 4 kg (nếu ủ rơm tươi thì chỉ cần 1,5 – 02kg), vôi tôi 0,5 kg, nước sạch 80 – 100 lít
* Phương pháp ủ: cũng giống như ủ xanh có thể ủ trong hố ủ hoặc ủ trong túi nilon.
* Cách ủ: Urê và vôi được hoà vào nước cho tan đều. Nếu ủ trong hố thì rải từng lớp một dày khoảng 20cm rồi tưới nước urê đã hoà lẫn vôi sao cho đều rơm, sau đó đảo qua đảo lại để rơm ngấm hết lượng nuớc vừa tưới, rồi dùng chân nén chặt. Sau đó phủ nilông thật kín để ngăn không khí, nước mưa lọt vào và khí amoniac trong hố ủ bay ra. Hoặc dùng phương pháp trộn đều rơm với nước ure sau đó cho từng lơp, từng lớp vào nén chặt. Nếu ủ trong túi nilông thì trình tự cũng làm tương tự như trên.
* Thời gian và cách sử dụng:Thời gian ủ: Mùa hè sau 2 tuần và mùa đông sau 3 tuần thì lấy rơm ra cho trâu bò ăn. Cách sử dụng: Lấy lượng vừa phải theo nhu cầu từng bữa lấy xong lại đậy kín hố hay buộc chặt túi. Rơm ủ bằng phương pháp này có thể dự trữ và bảo quản trong vòng 6 tháng. Chú ý: Không đưa rơm mà gia súc đã ăn thừa vào trong hố ủ.
* Chất lượng rơm ủ:Rơm sau khi ủ có chất lượng tốt là rơm có màu vàng đậm, mềm và ẩm, mùi urê, không có mùi mốc.
* Phương pháp cho ăn: Trâu bò lần đầu ăn rơm ủ urê do mùi đặc trưng của amoniac nên chưa quen ngay. Do vậy ta phải tập dần cho ăn ít một. Lấy rơm ủ ra dải dưới bóng mát khoảng 1 tiếng đồng hồ để mùi urê bay bớt rồi hãy cho trâu bò ăn hoặc trộn lẫn với thức ăn khác (trộn 1-2 kg cỏ xanh lên lớp trên để hấp dẫn trâu bò). Khi trâu bò đã
quen ăn rơm ủ urê thì cho ăn bình thường.
4. Sử dụng rơm cỏ ủ chua như thế nào
- Gia súc sẽ không quen với mùi của cỏ ủ chua khi mới ăn, vì vậy cần trộn lẫn với cỏ tươi. Chúng sẽ ăn dần dần và quen với mùi vị của cỏ ủ chua. Khi đã quen rồi chúng sẽ còn thích vị của cỏ ủ chua hơn
- Nên lấy từng lớp cỏ cho vật nuôi ăn, phần còn lại vẫn phải đậy và bịt thật kín
- Nếu nguyên liệu được phơi tái là tốt nhất (vừa diệt côn trùng, ấu trùng vừa tránh các hiện tượng nấm mốc, đảm bảo chất lượng ủ
- Buộc kín túi hoặc đậy kín hố ủ để tránh hở không tạo được khả năng lên mem khi ủ.
Trên đây là 1 số kinh nghiệm để ủ chua thức ăn xanh làm thức ăn dự trữ cho trâu bò. Bà con có thể sử dụng những công cụ hiện đại như máy băm cỏ để hỗ trợ giúp ích cho việc làm nhỏ nguyên liệu 1 cách nhanh chóng. Chúc bà con thành công !