Kinh nghiệm tạo nguồn thức ăn cho trâu bò giảm chi phí chăn nuôi

kinhnghiemtraubo

1. Các loại thức ăn

Có nhiều cách phân loại và nhiều thuật ngữ khác nhau để gọi tên thức ăn.

Đối với thức ăn cho loài nhai lại nói chung và cho trâu nói riêng, người ta thường phân loại dựa vào mối quan hệ giữa giá trị dinh dưỡng của thức ăn với khối lượng của nó và các loại thức ăn được xếp thành 3 nhóm chính sau đây : thức ăn thô, thức ăn tinh và thức ăn bổ sung.

a/ Thức ăn thô:

Thức ăn thô là loại thức ăn cỏ khối lượng lớn nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 kg thức ăn nhỏ.

Điều đó có nghĩa là gia súc phải tiêu thụ một số lượng lớn loại thức ăn này mới có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng.

Hàm lượng chất xơ thô trong loại thức ăn này lớn hơn 18% (theo vật chất khô).

Trong thức ăn thô người ta lại phân ra thành các nhóm nhỏ:

– Thức ăn xanh:

Bao gồm các loại cỏ xanh, thân lá cây còn xanh, kể cả một số loại rau xanh và vỏ của những quả nhiều nước…

Đặc điểm của thức ăn thô xanh là chứa nhiều nước, dễ tiêu hoá, có tính ngon miệng và gia súc thích ăn.

Thức ăn xanh có tỷ lệ cân đối giữa các chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và protein có chất lượng cao.

– Thức ăn ủ ướp:

Là loại thức ăn được tạo ra thông qua quá trình dự trữ các loại thức ăn thô xanh dưới hình thức ủ chua.

Nhờ ủ chua, người ta có thể bảo quản thức ăn trong một thời gian dài, chủ động có thức ăn cho trâu, nhất là vào những thời kỳ khan hiếm cỏ tự nhiên, với việc tổn thất ít nhất các chất dinh dưỡng so với quá trình phơi khô.

Ngoài ra, ủ chua còn làm tăng tỷ lệ tiêu hoá của thức ăn, do các chất khó tiêu trong thức ăn bị mềm ra hoặc chuyển sang dạng dễ tiêu.

– Cỏ khô:

Cỏ khô là loại thức ăn thô xanh đã được sấy khô hoặc phơi khô nhờ nắng mặt trời và được dự trữ dưới hình thức đánh đống hoặc đóng bánh.

Đây là biện pháp bảo quản thức ăn dễ thực hiện, cho phép ta dự trữ với khối lượng lớn để dùng vào những thời điểm khan hiếm.

Nhưng giá trị dinh dưỡng của cỏ khô luôn thấp hơn giá trị dinh dưỡng của cỏ ủ chua.

– Rơm rạ:

Rơm lúa sau khi thu hoạch được phơi khô dự trữ là nguồn thức ăn thô cho trâu.

Rơm lúa thường được sử dụng để tăng lượng chất khô, đảm bảo độ choán dạ dầy ; tăng lượng xơ trong khẩu phần, nhất là đối với những khẩu phần thiếu xơ.

Rơm lúa có giá trị dinh dưỡng và tỷ lệ tiêu hoá thấp.

Hiện nay người ta thường áp dụng biện pháp ủ rơm với urê để cho nó mềm hơn, trâu bò thích ăn hơn; đồng thời để tăng hàm lượng nitơ cũng như tỷ lệ tiêu hoá và giá trị dinh dưỡng của rơm.

b/ Thức ăn tinh:

Là loại thức ăn có khối lượng nhỏ nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng trong 1 kg thức ăn lớn.

Hàm lượng chất xơ thấp hơn 18%.

Nhóm thức ăn này bao gồm các loại hạt ngũ cốc và bột của chúng (ngô, mì, gạo…) ; bột và khô dầu đậu tương, lạc…; các loại hạt cây bộ đậu và các loại thức ăn tinh hỗn hợp được sản xuất

công nghiệp.

Đặc điểm của thức ăn tinh là hàm lượng nước và xơ đều thấp; chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như đạm, chất bột đường, chất béo, các chất khoáng và vitamin; tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng khá cao.

Thông thường, người ta sử dụng thức ăn tinh để hoàn thiện các loại khẩu phần ăn cấu thành từ các thức ăn thô.

Mặc dù thức ăn tinh có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao nhưng không thể chỉ dùng một mình nó để nuôi trâu bò (đặc biệt là trâu bò sữa) mà phải dùng cả các loại thức ăn thô.

Bởi vì trâu bò nói chung cần phải thu nhận các loại thức ăn thô, để bảo đảm cho quá trình tiêu hoá diễn ra bình thường.

c/ Thức ăn bổ sung:

Là loại thức ăn được thêm vào khẩu phần với số lượng nhỏ để cân bằng một số chất dinh dưỡng thiếu hụt như chất đạm, khoáng và vitamin.

Trong số các loại thức ăn bổ sung, quan trọng nhất là urê và hỗn hợp khoáng.

2. Tạo nguồn thức ăn nuôi trâu

Khác với các nước ôn đới, nước ta có thể cung cấp thức ăn tươi xanh quanh năm nếu trong mùa khô ta giải quyết được nhu cầu nước tưới hoặc áp dụng công thức trồng cây thức ăn hợp lý.

Đối với trâu cũng như các gia súc nhai lại khác, thức ăn thô xanh giữ vai trò rất quan trọng.

Chúng chẳng những cung cấp cho cơ thể gia súc nhai lại những chất dinh dưỡng cần thiết mà còn bảo đảm cho bộ máy tiêu hoá (dạ cỏ) hoạt động bình thường.

Để bảo đảm cung cấp thức ăn thô xanh đều đặn, ngoài việc sử dụng hợp lý bãi chăn tự nhiên, cần bố trí diện tích thích đáng để trồng các giống cỏ và các loại cây thức ăn có năng suất cao.

 

 

 

Tư vấn
Gọi ngay